Đường Thanh Niên vốn là con đập đắp vào đầu thế kỷ thứ 17 để giữ cá nuôi trong hồ Trúc Bạch. Lúc đầu mang tên “Cố Ngự” (giữ vững), sau được đọc chệch thành “Cổ Ngư.” Đường dài gần 1 km, bắt đầu từ dốc Yên Phụ tới ngã ba Quán Thánh - Thụy Khuê.
Con đường độc đáo nhất thủ đô nằm giữa hồ Tây và Trúc Bạch - hai hồ nổi tiếng của Hà Nội. Nhìn từ trên cao, đường Thanh Niên giống như một cây cầu phủ đầy cây xanh.
Những năm 1957 - 1959, sau khi thanh niên thủ đô góp sức làm đường Cổ Ngư và một số công trình khác to đẹp hơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh gợi ý đổi tên thành đường Thanh Niên để ghi nhận và cổ vũ sự đóng góp công sức của thế hệ trẻ.
Đường Thanh Niên trở thành một trong những con đường đẹp nhất thủ đô với lòng đường đẹp, vỉa hè thoáng rộng và những hàng cây xanh mát quanh năm.
Trên trục đường còn có chùa Trấn Quốc - ngôi chùa cổ nhất Hà Nội, được xây dựng từ thời Lý Nam Đế (541 – 547) với tên ban đầu là Khai Quốc. Vào thời Lê Thần Tông (1619- 1643), dân hai làng Yên Phụ và Yên Quang đắp đập Cổ Ngư chắn ngang Hồ Tây (ngăn thành hồ Trúc Bạch) nhân đó đắp luôn con đường vào chùa.
Những chú vịt khổng lồ chở theo những đôi nam nữ lướt nhẹ trên mặt nước trong xanh càng khiến khu vực này trở nên lãng mạn hơn vào mỗi buổi hoàng hôn.
Mặt nước mênh mang đón những vạt nắng chiều dịu nhẹ từ phía hồ Tây xuyên qua những tán lá in bóng trên đường.
Vào những tối mùa hè oi bức, dưới lòng đường và hai bên vỉa hè đều đông đúc người tới hóng mát. Những ngày đông giá rét, vẫn có nhiều người ngồi uống trà nóng bên quán cóc. Và đây cũng chính là điểm hẹn của những đôi lứa yêu nhau ngồi tình tự bên hồ.
Vì thế đường Thanh Niên là con đường lãng mạn nhất Hà Thành và được nhiều người gọi vui là "đường tình yêu".
Đường tình yêu trước và sau khi mặt trời lặn một ngày mùa thu.
Bài viết được cập nhật lần cuối lúc 06:02 - 08/10/2014
Post a Comment